Bạn có quen không?

Bạn có quen không?

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

ĐÔI LỜI TÂM SỰ_HT. Hiệu Trưởng


ĐÔI LỜI TÂM SỰ

          Đức Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp, thời khắc dễ qua, đạo nghiệp khó thành”.
          Thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ. Thấm thoát mới đây mà Tăng Ni sinh khóa 6 đã ra trường. Đoạn đường giáo dục nơi mái trường Đại Tòng Lâm mới ngày nào khai trường đến nay phút chốc đã 21 năm rồi!
          Năm khóa qua, tôi vừa xây trường, vừa lên lớp, soạn bài… nhưng khóa này tôi phải đành xa Tăng Ni sinh, không lên lớp được bửa nào, lòng lại cảm thấy buồn nhưng không biết làm sao hơn! Thân thể mỗi ngày mỗi già, công việc Giáo hội mỗi ngày mỗi thêm chồng chất. Công việc kiến thiết Đại Tòng Lâm mỗi lúc mỗi phát sanh, công trình này chưa xong công trình khác lại đưa đến. Niềm vui và niềm an ủi hành đạo mỗi lúc mỗi giảm dần. Ngày thành lập trường vào năm 1989, tôi còn có cha, còn có Thầy, có bạn, đến nay ba tôi đã không còn, Thầy tôi đã về cõi Phật, bạn đồng hành chung vai chung sức trên vạn nẽo đường (HT Thích Đồng Huy) cũng đã ra đi về bên kia thế giới! Bản thân mình mỗi ngày thân thể mỗi yếu, bao nhiêu lần tôi muốn lên lớp để dạy Tăng Ni sinh cách thức làm người con Phật (Sinh hoạt giáo đoàn đạo Phật tôi đã soạn từ lúc khai trường) nhưng rồi không thực hiện được! Nơi mảnh đất Đại Tòng Lâm, rất nhiều chướng duyên vây phủ. Tôi vừa đóng vai ông lái đò, vừa đóng vai rủ người niệm Phật, rủ người niệm Phật đâu phải là dễ, phải tạo khung cảnh yên lành, thanh thản, thanh tịnh trang nghiêm thì mới rủ người dứt bỏ trần duyên mà đưa mình về cảnh Phật được.
          Hai mươi năm xây dựng Đại Tòng Lâm, khi mái trường Phật học, học viện Tăng sinh và Ni viện Thiện Hòa đã tạm ổn, có nơi ra vào tu học, không còn cảnh nhà tôn vách đất, hoa rừng cỏ nội bửa đói bửa no, tôi xoay qua kiến thiết ngôi Đại Tự rồi đến rừng Cửu Phẩm Liên Hoa, hồ Liên Trì và Bảo tháp xá lợi. Ngày hai buổi sáng chiều đội nón chống gậy đi qua đi lại mà coi thợ làm, đêm về ngoài giờ rất ít có thời gian để tụng kinh lạy Phật, tâm lúc nào cũng tính toán bao nhiêu gạch, đá, sắt, cây… để sáng ngày mai cho có thợ làm.
          Tuổi cỡ tôi, như bao nhiêu người khác đã hưởng được đôi phút giây nhàn nhã đọc sách, ngâm thơ, chứng minh, thăm viếng. Tôi không được như vậy! Lúc còn nhỏ, những lúc trở trời trái gió, tôi ngồi bên cạnh bổn sư, xoa bóp chân người, những lúc Thầy vui, tôi bạch, thưa Thầy: Thầy coi số con sau này sẽ ra sao hả Thầy? Thầy bảo: ông ra đời gặp ngôi sao xấu (Nhâm Ngọ), cuộc đời gian nan khổ cực lắm đó! Vì con ngựa mà sanh lúc 2 giờ chiều thì ôi thôi là khổ! Kéo xe đi trong nắng hạ, roi vọt thúc theo thì làm sao mà sướng được!
          Thật vậy, đến từng tuổi này (thất thập cổ lai hy) mà tôi có được ngày nào ngơi nghỉ đâu! Người nông dân công chức còn có ngày Chủ nhật nghỉ ngơi, tôi thì Chủ nhật ôi thôi là bận, nào đám tiệc, cúng kiến thỉnh mời, nào khách khứa viếng thăm, ôi thôi là khổ… cuộc đời tôi sao nhiều bất hạnh quá! Lắm lúc tôi nghĩ cũng buồn! Buồn cho số phận, buồn cho mình sanh ra đời mang nhiều nghiệp chướng, tuổi cỡ này mà chưa tìm được người kế nghiệp, giúp mình đảm đương công việc. Tôi tự xét, tôi chưa phải là người khó tính, tại sao mình không có người thay mình đảm đương công việc, tuy không khó nhưng hay cẩn trọng. Bạn tôi là Thầy Giác Hải mới là người khó tính, thà ở một mình chứ không nuôi những đệ tử khó dạy khó răn! Tôi thì hàng lố đệ tử, hàng ngàn Tăng Ni, nhưng lại không tìm được người giao công việc, chắc tôi còn khó tánh hơn thầy Giác Hải là phải…? Thôi mỗi người đều có số phận an bài, chúng ta dầu muốn cũng chưa chắc là được, nuôi người mà không dạy được người thì mình có lỗi lớn, tôi thật tâm sám hối!
          Ngày ra trường của Tăng Ni sinh khóa VI sắp đến, tôi cảm thấy buồn và cảm thấy thiếu bổn phận, nên ghi lại mấy lời tâm sự vào đầu cuốn kỷ yếu của những đứa con có sanh mà không dưỡng của mình.
          Trong ba năm qua, mọi công việc ở đời đều tùy duyên mà sanh trưởng, trong cảnh đời tương đối, không có ai được như ý muốn, chúng ta muốn một lẽ, còn trời có cho ta thực hiện được hay không là việc khác! (nhơn nguyện như thử như thử, thiên lý vị nhiên vị nhiên).
          Trước mắt là việc tuyển sinh khóa VII sắp đến, tôi đang lưỡng lự chưa biết tính sao, cầu Phật gia hộ cho con được nhiều duyên phước để chọn người làm Phật!
          Các Tăng Ni sinh khóa VI thân mến! Các con đừng buồn nhé! Các con tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình nương tựa với mình mới là an toàn, không nên nương tựa với người khác, người khác chỉ giúp ta một phần nào đó mà thôi! Chúc các con chân cứng đá mềm trên vạn nẽo đường về bảo sở!

Đại Tòng Lâm mùa Hạ năm 2010
Hiệu trưởng
Thích Quảng Hiển

1 nhận xét:

  1. cac su huynh su ti ranh ranh lam phong phu ''blog trung cap 6'' di cho.vao xem toan thay thu chi kg, ngan om!!!!!!!!

    Trả lờiXóa